Bánh sinh nhật được bắt nguồn từ thời cổ đại xa xưa với hình dạng rất khác với bánh sinh nhật ngày nay, ban đầu bánh có mật ong, hạt, quả khô giống như một chiếc bánh mì… Dưới đây là tất tần tật những điều về nguồn gốc, cách làm và trang trí bánh kem, bánh sinh nhật.
Ngày nay những chiếc bánh sinh nhật hay còn có tên gọi khác là bánh gato được xem là một loại bánh thông thường trong cuộc sống của chúng ta. Bánh sinh nhật thường xuất hiện trong những bữa tiệc sinh nhật, tiệc cưới, tiệc mừng hay những buổi lễ quan trọng khác. Bánh sinh nhật trở nên hấp dẫn nhờ hương vị thơm ngon và cách trang trí bắt mắt, tinh tế đầy thu hút. Bánh sinh nhật có rất nhiều ý nghĩa và thông dụng, nhưng có thể bạn sẽ chưa biết những điều liên quan đến loại bánh này, chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Bánh sinh nhật là gì?
Bánh sinh nhật hay còn được gọi là bánh kem, bánh gato là một món ăn có những ý nghĩa quan trọng và đặc biệt trong những dịp lễ kỉ niệm sinh nhật, cưới, hỏi hay những dịp lễ quan trọng trong năm. Tuy nhiên bánh sinh nhật ngày nay trở nên thông dụng hơn trong cuộc sống của chúng ta, bánh sinh nhật là một món ăn ngọt có dạng cốt như một chiếc bánh bông lan xốp được dùng kem dày phủ lên để tăng hương vị và dùng để thực hiện trang trí cho chiếc bánh thêm hấp dẫn, bắt mắt. Đây là chiếc bánh ngọt được trang trí công phu, tỉ mỉ và tinh tế nhất trên thế giới.
2. Lịch sử ra đời của bánh sinh nhật:
Nguồn gốc của chiếc bánh sinh nhật được bắt nguồn từ thời cổ đại, người ta cho rằng chiếc bánh đã xuất hiện từ thế kỉ XIII, từ “kaka” trong tiếng Na Uy cổ được xem là nguồn gốc xuất phát từ “cake” sau này. Tuy nhiên vào thời điểm đó, chiếc bánh sinh nhật có hình dáng rất khác so với hình ảnh chiếc bánh sinh nhật thời nay. Vào thời Hy Lạp cổ đại người ta làm chiếc bánh ngọt hoặc bánh mì tròn để đưa đến đền thờ vị thần Mặt Trăng – Artemis, cũng chính từ đó mà phong tục làm bánh sinh nhật ra đời. Tuy nhiên vẫn có nhiều người tin rằng truyền thống này bắt nguồn từ nước Đức ở thời Trung Cổ, những những nhà nghiên cứu ẩm thực lại cho rằng những người Hy Lạp mới là người tạo nên những kỹ thuật làm bánh.
3. Bánh sinh nhật du nhập vào Việt Nam như thế nào?
Người Việt Nam thời xưa không có truyền thống ghi nhớ hay kỉ niệm ngày sinh mà chỉ nhớ đến ngày giỗ (ngày qua đời của người quá cố) theo ngày âm lịch. Tuy nhiên sau thời kỳ chiến tranh và những nét văn hóa phương Tây vào thế kỉ XIX đã làm cho trào lưu văn hóa được phát triển hơn, nơi phát triển nhất là ở Sài Gòn.
Ngày nay bánh sinh nhật đã trở nên thông dụng với cuộc sống của chúng ta, những chiếc bánh sinh nhật không còn quá đắt đỏ cũng như những dịp lễ, ngày kỉ niệm có xuất hiện chiếc bánh này cũng trở nên nhiều hơn. Có thể rất dễ dàng tìm được những cửa hàng ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S.
4. Những ý nghĩa của chiếc bánh sinh nhật?
Vào thời xa xưa khi chiếc bánh sinh nhật thường chỉ dành cho những tầng lớp thượng lưu hay những người giàu có, chiếc bánh được xem là loại bánh đặc biệt của sự phát triển nền văn hóa ẩm thực. Bánh sinh nhật được phổ biến hơn, chúng mang ý nghĩa thể hiện niềm vui, sự quan tâm và những cử chỉ thể hiện tình yêu thương. Bánh sinh nhật còn đại diện cho những lời chúc tốt đẹp nhất đến chủ nhân bữa tiệc. Ở mỗi quốc gia đều có những nét văn hóa đặc trưng trong bữa tiệc sinh nhật, chẳng hạn như ở Trung Quốc họ sẽ dùng bánh bao có hình dạng và màu sắc như một trái đào, loại bánh này có từ thời rất xa xưa để mừng sinh nhật.
5. Tại sao bánh sinh nhật có hình tròn?
Chúng ta có thể thật dễ dàng nhìn thấy đa số những chiếc bánh sinh nhật đều mang dáng vẻ hình tròn, điều này mang ý nghĩa gì? Giống như nguồn gốc của chiếc bánh có từ thời Hy Lạp cổ đại khi họ làm chiếc bánh ngọt hoặc bánh mì tròn để đưa đến đền thờ Artemis – vị thần Mặt trăng. Các học giả tin rằng là do tín ngưỡng tôn giáo do những kĩ thuật làm bánh có những hình dạng tương tự như vậy, họ còn dùng nến thắp trên mặt bánh để tỏa sáng lung linh như Mặt trăng. Chiếc bánh sinh nhật vào thời đó chỉ giống như một chiếc bánh mì, có mật ong và hạt, quả khô trang trí.
Tuy nhiên cũng có thể hiểu rằng những chiếc bánh thời xưa đều được làm bằng tay, chúng được nặn theo hình trái bóng tròn và nướng bằng lò nên hình dạng chiếc bánh thông thường sẽ là hình tròn. Theo thời gian, những kĩ thuật làm bánh phát triển hơn nên những chiếc bánh có dạng hình tròn và được phủ một lớp kem nhờ những công nghệ chế biến thực phẩm qua khuôn, lò…
Lớp kem phủ đầu tiên phủ trên bánh được làm từ những hỗn hợp của đường, lòng trắng trứng, hương vị đun sôi, sau đó đổ lên bánh và đặt vào lò nướng. Sau khi lấy ra lớp kem trên mặt bánh cứng và bóng loáng. Chúng trở thành món ăn ưa chuộng từ lúc đó, thời Victoria.
Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng mua được những chiếc bánh với nhiều hình dạng khác nhau được trang trí vô cùng tinh tế, tỉ mỉ và bắt mắt.
6. Thắp nến trên bánh sinh nhật có ý nghĩa gì?
Những người Hy Lạp cổ cắm nến trên bánh sinh nhật với ý nghĩa tôn thờ Nữ thần Mặt Trăng ở đền thờ Artermis. Họ cắm nến màu vàng nhạt ở xung quanh chiếc bánh để khi thắp nến ánh sáng màu vàng sẽ phủ trên chiếc bánh giống như hình ảnh mặt trăng tròn cùng với những lễ nghi tôn thờ của họ.
Đối với người Đức, việc thắp nến sinh nhật trên bánh để truyền “ánh sáng của sự sống”. Chính vì vậy mà người Đức cắm một cây nến lớn ở giữa chiếc bánh để hi vọng ánh sáng này sẽ tỏa ra rực rỡ. Tuy nhiên những nhà nghiên cứu cho rằng đây là những cử chỉ bắt nguồn từ nghi lễ tôn giáo của người Công Giáo trong ngày lễ nến Phục Sinh.
Ở một số nơi nhiều người còn cho rằng vào ngày sinh nhật sẽ thắp đủ số nến lên mặt bánh sinh nhậy, nếu như chủ nhân chiếc bánh thổi một lần tắt hết nến thì sẽ được may mắn suốt năm, nếu như không tắt hết thì có nghĩa là lời cầu nguyện của họ không trở thành hiện thực. Một vài nơi người ta còn quệt lên tên của người chủ tiệc trên bánh trước khi cắt để hi vọng có thêm may mắn.
7. Các loại bánh sinh nhật phổ biến và được yêu thích nhất
Bánh gato: Gato là loại bánh quen thuộc với những mẫu mã trang trí bắt mắt, hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Những hương vị bánh kem cũng dần được thay đổi để phù hợp với những xu thế mới.
Mẫu bánh kem gato truyền thống là loại được nhiều người yêu thích nhất
Một chiếc bánh gato ngon bao gồm phần cốt bánh bông xốp, nhẹ, lượng kem phết trên bánh trang trí không quá nhiều hay quá ít, không quá ngọt cũng không quá nhạt.
Bánh Tiramisu: Bánh Tiramisu là một loại bánh có nguồn gốc từ nước Ý, chiếc bánh này được làm thành một ổ bánh to và trang trí hấp dẫn thành tâm điểm của một bữa tiệc sinh nhật. Những phần cốt bánh mềm xốp được thấm đẫm với hương vị cà phê và rượu rum, cùng với phần kem được phết ở giữa béo ngậy.
Bánh Mousse: Là loại bánh lạnh trở nên thịnh hành trong những năm trở lại đây, chiếc bánh Mousse có ưu điểm là dễ làm, nhanh gọn và không cần sử dụng đến lò nướng. Đây được xem là lựa chọn hàng đầu cho những người mới làm bánh hay chưa thạo làm bánh sinh nhật. Bánh Mousse là “họ hàng” của dòng bánh lạnh nên vị man mát, béo ngậy của kem tươi hòa cùng với những hương vị đã tạo nên sự độc đáo của bánh.
Những hương vị cho thêm vào chiếc bánh này có thể cực kì đa dạng, như trái cây, chocolate, trà xanh…
Bánh kem lạnh (ice cream cake): Bánh kem là một dòng bánh khá mới lạ, có công thức chế biến khá khác lạ những dòng bánh truyền thống.
Phần cốt bánh gato được dùng là nguyên liệu của dòng bánh kem lạnh. Kem được cho vào khuôn bánh gato, cho vào ngăn đá tủ lạnh để đông, tách ra và thực hiện xếp lớp với các lớp kem mỏng tương tự tạo nên một chiếc bánh lớn. Tuy nhiên với bánh kem lạnh chúng ta không thể để lâu ở nhiệt độ thông thường.
Bánh Cheesecake: Bánh Cheesecake tương tự như dòng bánh Mousse, tuy nhiên những nguyên liệu để làm nên loại bánh này ngoài Whipping Cream còn có Cream Cheese có vị chua béo ngậy. Đây là những thành phần chính để làm nên độ ngon không thể chối từ của loại bánh này.
8. 6 cách trang trí bánh sinh nhật cơ bản nhất
Trang trí bánh kem bằng kem tươi truyền thống:
Thông thường bánh sinh nhật sẽ có phần kem phủ toàn bộ bánh, vì phần cốt bánh khi ăn với kem tươi sẽ ngậy và thơm, không bị quá khô, đồng thời nhờ vào lớp kem này chúng ta có thể thực hiện công đoạn trang trí bánh đẹp mắt hơn rất nhiều. Cách trang trí bánh bằng kem tươi là cách trang trí truyền thống và cơ bản nhất, có hai loại kem tươi thường được sử dụng là Whipping Cream và Topping Cream. Chúng ta cũng có thể tự làm kem tươi để trang trí cho phần bánh của mình.
Kem tươi phủ lên bánh đơn giản:
Với những cách trang trí bánh kem, bạn có thể phủ lên một lớp bánh kem béo ngậy trên bề mặt bánh. Dù là đơn giản nhưng vẫn đảm bảo bánh kem đẹp hơn, không cần quá nhiều sự khéo léo nhưng vẫn đảm bảo chiếc bánh ngon mắt hơn.
Vị socola được rất nhiều người yêu thích, chính vì vậy mà việc trang trí một chiếc bánh kem socola rất phổ biến, hương vị ngọt ngào của socola được hòa quyện cùng với lớp bánh mềm thật hấp dẫn và thơm ngon. Bạn cũng có thể sử dụng socola phủ lên toàn bộ chiếc bánh, ngoài ra dùng socola để viết chữ lên bánh cũng không phải là một ý kiến tồi!
Bánh kem nhiều màu sắc với hoa quả tươi:
Bánh kem được thêm một vài lát trái cây vào trông sẽ đỡ ngấy hơn, bạn hãy thử một chiếc bánh trang trí với hoa quả tươi để tạo nên sự khác biệt. Hoa quả tươi không những sẽ làm chiếc bánh bắt mắt hơn bởi màu sắc tự nhiên đẹp mắt mà còn rất tốt cho sức khỏe, có công dụng làm đẹp da.
Bạn có nghĩ một ngày nào đó bạn sẽ nhận được một chiếc bánh kem được trang trí bằng hoa tươi sống động? Hãy thử làm một chiếc bánh kem được cắm hoa hồng xung quanh bề mặt bánh, những bông hoa đầy màu sắc sẽ làm điểm nhấn cho chiếc bánh của bạn. Với cách trang trí này bạn có thể thực hiện trên bánh cưới, hỏi và những buổi tiệc trang trọng!
Những người thợ bánh chuyên nghiệp thường sử dụng cách trang trí bánh sinh nhật bằng Fondant, đây được xem là vị phù thủy của những chiếc bánh kem. Khi Fondant được sử dụng làm những chiếc bánh kem trở nên muôn hình vạn trạng có thể biến tấu theo sở thích.
Những lớp Fondant với bề mặt láng mịn, bóng mờ không nhăn nheo hay có nấp gãy nứt tạo nên sự thẩm mĩ và giá trị cao khi chúng có thể chịu đựng được ở nhiệt độ cao ở những bữa tiệc tổ chức ngoài trời.
9. Cách làm cốt bánh sinh nhật trong 9 bước đơn giản
Nguyên liệu làm cốt bánh sinh nhật:
• Trứng gà to: 4 quả
• Dầu ăn: 45ml
• Sữa tươi không đường: 45ml
• Bột mì: 100g
• Đường trắng: 90g
Dụng cụ làm cốt bánh sinh nhật:
• Lò nướng
• Bát sạch
• Phới trộn
• Máy đánh trứng
• Khuôn tròn (đường kính 20cm)
• Giấy nến
Cách làm cốt bánh sinh nhật:
Bước 1: Bật lò ở nhiệt độ 150 độ C trước 10 phút để lò nóng trước.
Bước 2: Tách lòng đỏ trứng, cho sữa tươi và dầu ăn vào, dùng phới lồng đánh đều tạo thành hỗn hợp.
Bước 3: Rây bột mì vào hỗn hợp trên, đồng thời dùng phới lồng để đánh nhanh tay tạo thành một hỗn hợp mịn đều.
Bước 4: Cho đường vào âu khác, dùng máy đánh trứng đánh lòng trắng, cho thêm đường vào đánh cùng, đối với máy cầm tay thì sử dụng nấc 1 của máy đánh. Sau đó chuyển dần cho hỗn hợp bông lên hơi cứng.
Bước 5: lấy lòng trắng trứng đã đánh bông trộn vào âu lòng đỏ trứng, trộn từ dưới lên trên sao cho 2 hỗn hợp có thể hòa quyện vào nhau.
Bước 6: Lấy tiếp ½ hỗn hợp trên đổ vào âu lòng trắng đánh bông và thực hiện trộn đều tay, làm tương tự như vậy với lượng hỗn hợp còn lại.
Lưu ý: Khi thực hiện công đoạn trộn, nên trộn đều tay không để hỗn hợp bị vỡ bọt khí, nếu bị vỡ bọt khí nhiều khi nướng bánh sẽ không nở được.
Bước 7: Cho hỗn hợp vào khuôn đã lót giấy nến, dàn đều bột, thực hiện đập nhẹ khuôn bánh xuống mặt bàn để bột đều khuôn.
Bước 8: Cho bánh vào lò nướng trong khoảng 60 phút ở rãnh cuối, lấy tăm thử bánh nếu thấy không còn dính tăm là được.
Bước 9: Lấy bánh ra ngoài đợi bánh nguội khoảng 5 phút sau đó lấy bánh ra khỏi khuôn.
0 Nhận xét